Lượt xem: 92

Nông dân “thủ phủ” sầu riêng bảo vệ vườn cây trong mùa hạn, mặn

Huyện Kế Sách được biết đến là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của tỉnh Sóc Trăng, với nhiều loại trái cây đặc sản, trong số đó loại trái cây có giá trị kinh tế cao phải kể đến là sầu riêng. Không như nhiều loại cây ăn trái khác được trồng rộng khắp trên địa bàn huyện, sầu riêng chỉ trồng tập trung phần lớn tại một số xã như: Xuân Hòa, Ba Trinh, Trinh Phú… Riêng xã Xuân Hòa được mệnh danh là “thủ phủ” của trái sầu riêng, bởi sầu riêng được trồng với diện tích lớn và cây trồng phù hợp vùng đất nên tạo ra trái có chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, đem lại nguồn thu tốt cho nhà vườn.

 


Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển trái sầu riêng của xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Trong những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 3, chúng tôi tìm đến nhà vườn trồng sầu riêng của hộ dân trên địa bàn huyện Kế Sách để tìm hiểu về việc nhà vườn bảo vệ vườn cây trong mùa hạn, mặn. Nhiệt tình mời chúng tôi tham quan khu vườn sầu riêng đang cho trái, ông Huỳnh Thanh Lễ, Ấp 5, xã Ba Trinh chia sẻ, vườn sầu riêng của ông trồng đến nay đã hơn 6 năm tuổi, cho thu hoạch trái vụ thứ hai. Do cây sầu riêng trồng nhiều năm mới thu hoạch trái nên việc chăm sóc, bảo vệ vườn cây luôn được ông chú trọng, đặc biệt là trong thời điểm mùa khô, mặn. Vì vậy, để đảm bảo cho cây sầu riêng tăng trưởng tốt trong mùa hạn, mặn, ông Lễ thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mặn trên các kênh, rạch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo của ngành chuyên môn và địa phương cập nhật trên zalo, facebook, nhằm chủ động ứng phó mặn. Theo đó, để đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn sầu riêng diện tích 4ha, ông Lễ tranh thủ lúc nước ngọt sẽ tích trữ nước đầy trong các mương vườn; đồng thời, kiểm tra bờ bao quanh vườn và gia cố những chỗ có kẽ hở, tránh nước mặn xâm nhập vào mương vườn trữ nước ngọt. Nhờ có biện pháp bảo vệ vườn cây ăn trái tốt nên trong nhiều năm hạn, mặn, vườn cây ăn trái của ông Lễ luôn phát triển xanh tốt.

    Ông Huỳnh Thanh Lễ bộc bạch: “Để phát triển kinh tế gia đình từ canh tác vườn thì chỉ có cây sầu riêng mới giúp bà con nông dân làm giàu. Nếu có 1ha diện tích trồng sầu riêng sẽ cho thu nhập tiền tỷ/năm. Thực tế trong năm 2024 này, giá sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong bán tại vườn có giá dao động từ 110.000 - 180.000 đồng/kg. 1ha sầu riêng sản lượng thu về từ 20 - 30 tấn/vụ/năm, trừ các khoản chi phí, nhà vườn bỏ túi hơn 1,5 tỷ đồng. Số tiền này cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây ăn trái khác. Riêng với vườn của gia đình tôi, do cây còn ít năm tuổi nên sản lượng thu hoạch ước 26 tấn/4ha, nếu giá sầu riêng vẫn giữ ở mức nêu trên, tôi có thu nhập hàng tỷ đồng/vụ/năm”.

    Là hợp tác xã trồng sầu riêng có tiếng của xã Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi 1 Đoàn Út Xuân thông tin, hợp tác xã có diện tích trồng sầu riêng 41ha, trong đó có 37ha đã được cấp mã số vùng trồng và trái sầu riêng của hợp tác xã đã xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài thông qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Do sầu riêng có giá trị kinh tế cao nên tất cả thành viên của hợp tác xã rất quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ cây, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng như hiện tại, nước mặn thường xuyên xuất hiện mà cây sầu riêng mẫn cảm với mặn. Để ứng phó thời điểm có nước mặn trên các sông, kênh, rạch, thành viên hợp tác xã sẽ xả toàn bộ nước chứa trong các mương vườn, tránh nước mặn xâm nhập vào bên ao trộn lẫn nguồn nước ngọt và đợi đến khi có nước ngọt sẽ đưa nước vào vườn tưới cho cây. Với biện pháp trên, nhiều năm qua vườn cây sầu riêng của hầu hết thành viên trong hợp tác xã luôn an toàn trong mùa hạn, mặn.


Ông Huỳnh Thanh Lễ, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách bên vườn sầu riêng 4ha của gia đình đang vào mùa cho trái. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng chí Lưu Quốc Thanh - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Xã Xuân Hòa có diện tích trồng sầu riêng hơn 1.000ha, sầu riêng được trồng hầu hết tại các ấp trên địa bàn xã. Từ giá trị kinh tế của cây sầu riêng, địa phương đã và đang vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cũng như tiến hành công tác quy hoạch từng khu vực trồng sầu riêng tập trung để xây dựng mã vùng trồng cung cấp trái sầu riêng cho thị trường cao cấp và phục vụ cho xuất khẩu. Cây ăn trái là cây trồng chủ lực của địa phương nên địa phương rất quan tâm đến việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và bảo vệ cho cây trồng phát triển tốt. Chính vì vậy, trong những tháng mùa khô, địa phương thông tin liên tục đến nhà vườn về tình hình độ mặn trên sông, kênh, rạch, đưa ra các khuyến cáo để bà con tranh thủ lấy nước ngọt tưới cho cây trồng. Đặc biệt là với cây sầu riêng, địa phương quan tâm sát loại cây trồng này và liên tục đưa ra các khuyến cáo về việc bảo vệ cây trong mùa hạn, mặn”.

    Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hơn 29.000ha, bao gồm nhiều loại trái cây như: Bưởi, nhãn, xoài, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, mít… Trong đó, sầu riêng chỉ trồng tại huyện Kế Sách với diện tích hơn 1.700ha và diện tích sầu riêng trồng nhiều nhất tại xã Xuân Hòa với diện tích hơn 1.000ha, giống sầu riêng chủ lực là Ri6 và Monthong.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 70,803
  • Tất cả: 11,802,810